Chén khải
Chén khải – có lẽ là trà cụ dùng để pha trà linh hoạt nhất. Chén khải có thể được sử dụng như một ấm trà hoặc chén uống trà, thường có thể linh hoạt pha nhiều loại trà, đặc biệt là các loại lục trà, bạch trà, trà hoa, …
Chén khải có từ thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc và từ đó trở thành một trà cụ được yêu thích.
Chén khải tam tài gồm 3 phần: nắp, thân (đựng nước) và đĩa kê, thể hiện cho Thiên – Địa – Nhân. Trà cụ này thường được làm bằng sứ vẽ hoa văn, những cũng có thể được làm từ đất hoặc thủy tinh.
Bên cạnh ấm tử sa, chén khải là một loại trà cụ được các trà nhân ưa chuộng và thường phải có trên bàn trà giữa các loại ấm khác. Ngoài giá trị pha trà, trà cụ này thường cũng được sử dụng như một vật quý sưu tầm, trang trí, thể hiện sự tinh tế và sành trà của chủ nhân. Mỗi chén khải đều là một tác phẩm nghệ thuật.
Đây là một trà cụ thường được giới quý tộc cung đình xưa sử dụng. Không khó để thấy loại chén này được sử dụng trong những tài liệu, thước phim về cung đình xưa tại Việt nam, Trung Hoa. Sử dụng chén khải tạo nên sự tinh tế điệu đàng trong các động tác pha trà.
Ngày nay, kiểu cách của loại chén này cũng khá đa dạng, từ dáng cao hay lùn, đế to hay nhỏ, màu sắc và họa tiết vô cùng phong phú để làm thỏa mãn tất cả những người yêu trà.